Chủ một tài khoản Facebook đang livestream xem bói cho khách
Tin những lời phán của thầy bói online, không ít người đã bỏ tiền triệu để mua bùa bình an, nhẫn tài lộc, dầu trợ duyên, vòng phong thủy… với giá từ vài trăm ngàn đồng cho tới hàng triệu đồng chỉ để mong đổi vận hạn mà không biết rằng mình đã bị dính “bẫy” lừa.
* Livestream xem bói… để bán bùa
Phần lớn các câu giải đáp của mẹ bé S. đều có ý tứ trả lời không tốt và gợi ý người hỏi thỉnh “bùa” về giải hạn. Trường hợp gặp xui xẻo trong buôn bán, công danh sự nghiệp thì phải thỉnh combo tài lộc gồm: bùa và vòng đeo tay bình an. Còn ai gặp rắc rối về tình duyên, chồng ngoại tình, người yêu không chịu cưới… thì mua dầu trợ duyên sẽ đảm bảo được như ý nguyện. Để có được những sản phẩm này thì phải liên hệ mẹ bé S. qua Zalo số 08890070…
Thông qua tài khoản Zalo nói trên, phóng viên Báo Đồng Nai được mẹ bé S. tận tình hướng dẫn thỉnh combo tài lộc và dầu trợ duyên với mức giá hơn 1 triệu đồng. Tiền phải chuyển qua tài khoản của một ngân hàng và “bùa” sẽ được chuyển về thông qua bưu điện.
Bà Trần Anh Thơ, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa – thể thao và du lịch) cho rằng, xem bói online là hiện tượng mê tín dị đoan cần phải được bài trừ; các cơ quan chức năng cần xác minh, xử lý. Tín ngưỡng là điều thiêng liêng, nhưng chúng ta nên thận trọng, tỉnh táo để không bị mắc vào cạm bẫy lừa đảo của những đối tượng xấu lợi dụng mê tín dị đoan dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Chiêu thường thấy ở các trang xem bói online là chỉ xem miễn phí cho một số ít người đăng ký đầu tiên, sau đó sẽ phán về những trắc trở trên con đường công danh, sự nghiệp, tình yêu, gia đình… khiến người hỏi lo lắng. Cuối cùng, họ gợi ý mọi người chuyển tiền để mua bùa, vòng, nhẫn phong thủy, cúng dâng sao, giải hạn giúp với giá từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng.
Theo luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh, việc tổ chức livestream trên mạng xã hội để xem bói là hoạt động mê tín dị đoan. Bởi lẽ những đối tượng lợi dụng sự mê tín, cả tin của những người dùng mạng xã hội để trục lợi. Theo quy định hiện hành vi phạm về mê tín dị đoan sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và cao hơn là xử lý hình sự.
Cụ thể, Điều 320, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội hành nghề mê tín, dị đoan nêu rõ, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3-10 năm: làm chết người; thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng.
Gia An